top of page

Lịch sử của Cung Đạo

Đã cập nhật: 24 thg 4

Cung tên Nhật Bản


Ảnh: International Kyudo Federation

Tại Nhật, qua những hiện vật về các chiếc cung cổ xưa, người ta cho rằng có nhiều khả năng chúng cũng thuộc về cùng giai đoạn đó. Ước tính rằng những cây cung đó đã được chế tạo trong khoảng giữa năm 1 và 3 sau Công nguyên), trong thời kỳ Yayoi. Những chiếc cung đầu tiên đó thuộc loại maruki, có dáng dài, được làm từ một mảnh gỗ đơn chiếc, sơn đen và bọc bởi vỏ bạch dương. Ngoài ra, trong những bản miêu tả về cảnh săn bắn được vẽ trên những chiếc chuông đồng, người ta thấy trên cây cung dài còn có phần tay nắm.

Trong Gishi-Wajin Den (các ghi ghép về tiểu sử của người Wajin) cũng có đề cập rằng những chiếc cung được sử dụng bởi người Nhật xưa là loại cung dài. Miêu tả này cùng với những gì được viết trong Kojiki (Cổ Sự Kí – Biên niên sử cổ xưa của Nhật Bản) đã chứng tỏ những chiếc cung chứa đựng ý nghĩa quan trọng, về cả ý thức hệ và về văn hóa trong xã hội cổ đại Nhật Bản, được coi như một biểu tượng về nhân phẩm. Vì thế, chúng có vai trò quan trọng trong các nghi lễ của Shinto (Thần đạo) và Samurai về sau này.

Ảnh hưởng từ Trung Hoa


Ở Trung Quốc, có khá nhiều sách về cung như Kinh Lễ của nhà Chu hay Hậu Hán Thư. Tuy nhiên, tác phẩm kinh điển nhất miêu tả cách sử dụng cung trong các nghi lễ là Lễ Ký (Kinh Lễ). Theo đó, các quan hệ ngoại giao giữa Trung và Nhật hình thành trong khoảng thế kỷ IV, V sau triều đại của thiên hoàng Ohjin. Ảnh hưởng của Trung Quốc lên Nhật từ đó tiếp tục mở rộng ra nhiều vùng. Tư tưởng của người Nhật xưa về Itoku (Ý Đức – Phẩm chất và Đức hạnh) trùng hợp với quan điểm của người Hoa về Rei (Lễ), dãn tới hình thành Sharei (nghi lễ bắn cung) trong triều đình. Những năm sau đó, nó trở thành biểu tượng của sự lịch thiệp trong các nghi lễ bắn cung của Samurai. Ở Trung Quốc, cung được xem là vũ khí trang nghiêm nhất – một vũ khí cho các vị vua và lãnh chúa. Tư tưởng này cuối cùng cũng đã được thấm nhuần bởi các Samurai Nhật Bản.

Loại cung Fuse-takeyumi (cung được làm từ phần dưới của thân tre) từ thời Heian (thế kỉ X) và cung Sanmaiuchi-yumi (cung gồm ba phần) từ cuối thời Heian (thế kỉ XII) lại là các cung được chế tạo tổng hợp, làm từ cả tre và gỗ. Kĩ thuật làm các loại cung này được đem vào Nhật bởi người Hoa.


Thời kì Samurai


Ảnh: International Kyudo Federation
Ảnh: International Kyudo Federation

Khi Yoritomo no Minamoto thành lập Mạc phủ Kamakura năm 1192, ông sáng lập ra đạo lí của Samurai, cho rằng một samurai phải cống hiến bản thân mình để đạt đến một mức độ tinh thần, bằng cách làm chủ nghệ thuật cưỡi ngựa bắn cung. Trong Azuma Kagami (Chiếc gương của phương Đông) – một cuốn sách lịch sử được viết trong thời kỳ Kamakura, có nói rằng các nhiều hình thức khác nhau của việc cưỡi ngựa bắn cung đã được đưa vào luyện tập để rèn luyện cơ thể và tâm của các samurai trong thời đại này, như Inuoumono (săn bắt chó) và Kasagake (bắn mũ).


Tại đền thờ Tsurugaoka-Hachimangu, Yabusame (cưỡi ngựa bắn cung) được thực hiện như một phần của nghi lễ Hojoe lên cho đến ngày nay. Săn bắn Makigari rất phổ biến trong thời kỳ Kamakura, và những chiếc cung chứa đựng biết bao


ý nghĩa hơn cả về nghi thức trong thời Heian rồi cũng đã lấy lại được vai trò của chúng trong chiến tranh. Tuy nhiên; Trong Inuoumono và Kusajishi (bắn cung với mục tiêu là hươu làm bằng cỏ), các quy tắc nghiêm ngặt đã định hướng sự phát triển của việc bắn cung thành một môn thể thao.


Phát triển về công nghệ


Cung đạo đã có những bước tiến sáng tạo trong những thập kỷ xung đột bắt đầu từ thời của Bắc và Nam triều cho đến thời kỳ Muromachi.

Trong triều đại của thiên hoàng Godaigo, Sadamune và Tsuneoki Ogasawara đã biên soạn cách thức bắn cung, được lưu truyền và tập luyện trong cộng đồng Samurai, thiết lập nên nền tảng của trường phải cưỡi ngựa bắn cung Nhật Bản. Từ đó, gia tộc Ogasawara đóng vai trò là bậc thầy lớn của môn cưỡi ngựa bắn cung cho đến thời kỳ Edo. Cách mà cung đạo được luyện tập ra sao trong thời gian đó đã được mô tả kỹ lưỡng trong Ryoshun Onzoushi, được viết bởi Ryoshun Imagawa. Người sáng lập của trường phái Heki, Danjoh Masatsugu Heki, cũng thuộc thời kỳ này. Trường phái Heki lan rộng vì cung đạo tỏ ra phù hợp nhất trong thực chiến. Phong cách của Masatsugu đã được chuyển cho đệ tử Shigekata Yoshida của ông và sau đó lại được chia thành hai trường phái Sekka và Izumo. Dosetsu là từ trường phái Sekka, còn Insai và Okura là từ trường phái Izumo. Chính vì những vị cha ông tài năng ấy, nghệ thuật cung đạo đã phát triển rất nhanh chóng.

Về sau, một nhánh phụ là trường phái Chikurin được thành lập từ Josei Chikurin, thường được luyện tập ở vùng Owari và Kishu. Nhiều trường phái từ những người khác cũng đã được thành lập trong vòng 150 năm giữa thế kỷ 15 và 17 (cuối thời kỳ Muromachi và thời đầu Edo).

Sau đó, các trường phái lớn được thành lập, như Yamato, bởi Kozan Moriyama trong thời Genroku và Honda, bởi Toshiazane Honda trong thời Minh Trị.

Những đổi mới trong nghệ thuật cung đạo Nhật Bản được mô tả trong Takatada Kikigaki bởi lãnh chúa Takatada Taga. Trong cuốn sách của mình, ông nhắc đến những ưu và khuyết điểm của yugaeri (việc quay cây cung sau khi bắn), một kiểu kỹ thuật có thể được tận dụng bởi cây cung cong.


Cung đạo như một dạng thức rèn luyện tâm linh


Sau khi súng được đưa vào Nhật, thời đại chiến tranh dùng cung và tên kết thúc và cung đạo trở thành một hình thức rèn luyện về thể chất và trí óc. Sự chuyển đổi này khiến cho nghệ thuật cung đạo trở nên càng tinh tế hơn.

Ta lấy một ví dụ là Toshi-ya (Cung đạo tầm xa). Toshiya bắt đầu từ thế kỉ XII nhưng phải tới thế kỉ XVI mới trở nên phổ biến. Theo các ghi chép lịch sử từ năm 1606, số lượng tên bắt trúng bia là 51. Năm 1661, kỉ lục này được phá vỡ bởi một cung thủ là Kanzaemon Hoshino với 8000 mũi tên. Tuy nhiên vào năm 1686, một cung thủ khác là Daihachi Waza đã phá kỉ lục này.

Toshiya đòi hỏi phải bắn nhanh bằng kỹ thuật Uchikiri, vậy nên những chiếc găng tay đặc biệt được thiết kế để cho phép người bắn cung di chuyển ngón tay cái của mình tự do hơn. Loại găng tay này là nguồn gốc của kataboshi sử dụng trong Cung đạo bây giờ. Daihachi Waza đã có thể bắn 13033 mũi tên trong vòng giới hạn 24 giờ và trúng đích 8133 lần.

Cung đạo thời hiện đại


Khi thời kỳ Edo không có chiến tranh, cung đạo đã được theo đuổi như là một môn nghệ thuật và được phát triển thành Kyudo, nghĩa là Cung Đạo/Đạo bắn cung. Tuy nhiên tại Kobusho, một trường nghệ thuật quân sự chính thức được thành lập bởi Edo Shogunate đã loại trừ Kyudo khỏi chương trình học sau một năm với lý do nó không thể thích ứng với thực chiến trong thời đại của súng ống và huấn luyện quân sự phương Tây. Nhưng bên ngoài trường học, súng chỉ dùng cho lính bộ hạng thấp và việc cưỡi ngựa bắn cung vẫn còn được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng samurai. Trong suốt thời kỳ Minh Trị, khi hiệp hội Dai Nippon Butoku Kai (Hội Đại Nhật Võ) được thành lập ở Kyoto, Kyudo đã được bao gồm trong đó và được khuyến khích phát triển rất tự nhiên.

Trong thời Taisho và tiền Showa, Kyudo đã được đưa vào các trường trung học nếu không như một môn chính thì sẽ như một hoạt động ngoại khóa. Thế nhưng, khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, bộ Giáo dục thay đổi chính sách và một lần nữa Kyudo bị loại trừ vì nó không liên hệ trực tiếp tới thực chiến. Sau chiến tranh, tất cả các môn võ thuật đều bị cấm trong trường học.

Năm 1951, một lần nữa Kyudo được phép đưa vào luyện tập trong các trường. Năm 1967, Kyudo đã được thông qua như là một môn học phổ thông bình thường. Các khía cạnh về giáo dục và thể thao của Kyudo đã được đánh giá và ghi nhận. Cung đạo hiện đại sau đó trở thành một phần của môn giáo dục thể chất.

Sứ mệnh của Cung đạo hiện đại là theo đuổi việc làm thế nào theo quan niệm tâm linh mới mà Kyudo có thể đóng góp trên phương diện giáo dục, bằng cách dùng bất cứ phương pháp tiếp cận khoa học nào sẵn có và để truyền bá môn nghệ thuật này.

23 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

댓글


bottom of page